Trong tiến trình lịch sử của dân tộc Việt Nam, nét văn hóa giữa các dân tộc có sự giao thoa, đồng hóa đa dạng, nhiều màu sắc, song cũng có không ít những di sản văn hóa các dân tộc đã bị mai một. Hiện nay, thôn Khuân Bang, xã Như Cố, huyện Chợ Mới vẫn còn giữ gìn khá nguyên vẹn Văn hóa làng của người Việt, giữ nguyên những nếp nhà sàn – di sản văn hóa vật thể của người Tày. Những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc đó cần gìn giữ và phát huy trong xu thế hội nhập hôm nay.
Khuân Bang là thôn nằm ở phía Bắc của xã Như Cố, cách trung tâm xã 03 km, cách trung tâm huyện Chợ Mới 07 km về phía Đông. Thôn có tổng diện tích đất tự nhiên là 200ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp 15ha, còn lại là đất rừng. Mật độ dân số là 600m2/người. Tính đến tháng 10 năm 2012, thôn có 54 hộ, 246 nhân khẩu, với 02 dân tộc cùng sinh sống, là dân tộc Kinh và dân tộc Tày, trong đó số hộ gia đình người Tày chiếm 89%.
Theo lời kể của những người cao tuổi nhất ở đây, thôn Khuôn Bang đã có từ cách đây khoảng hơn 400 năm và khi ấy duy nhất chỉ có người Tày sinh sống. Năm 1963, theo tiếng gọi của Đảng và Nhà nước, 02 hộ gia đình người Kinh ở tỉnh Nam Định lên Khuân Bang xây dựng vùng kinh tế mới, đến nay gần 50 năm nhưng số hộ gia đình người Kinh cũng chỉ phát triển thêm 04 hộ trong tổng số 54 hộ dân. Từ đây, văn hóa làng của người dân xã Như Cố đã có sự giao thoa mạnh mẽ. Đặc điểm địa lý của từng vùng khác nhau đã hình thành những nét văn hóa riêng. Có thể nói, ở miền xuôi, vùng đồng bằng, do họ sống tập trung thành cộng đồng dân cư đông đã hình thành nên sự gắn kết cộng đồng, ý thức cộng đồng cao, chấp hành mọi quy định, luật tục, hương ước, quy ước của cộng đồng. Điều đó thể hiện ở Văn hóa làng của người Kinh vùng đồng bằng bắc bộ, trải qua bao thăng trầm của lịch sử mà văn hóa làng vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Sự hình thành làng, trước hết là chịu sự chi phối bởi điều kiện tự nhiên như: Địa lý, thủy văn, khí hậu, thổ nhưỡng, môi trường sinh thái; sau đó là chịu sự tác động của các mối quan hệ như: Dòng họ, nghề, nếp sống, phong tục tập quán, khả năng và điều kiện giao lưu văn hóa. Làng và bản là đơn vị tương đương nhau, làng xuất phát từ vùng đồng bằng và trung du; bản là tên gọi của dân tộc vùng miền núi đông bắc nước ta, là tiếng gọi của người Tày. Sự giao thoa giữa văn hóa làng và bản góp phần làm nên bản sắc văn hóa dân tộc, là nội lực để phát triển mọi lĩnh vực trong thời kỳ công nghiệp hóa theo hướng hiện đại.
![]() |
Nhà sàn – một nét văn hóa độc đáo của người Tày |
Đến với Khuân Bang hôm nay, ta sẽ thấy làng bản nằm trong một thung lũng nhỏ giữa bốn bề núi non với những nếp nhà sàn truyền thống của dân tộc Tày, trong đó lại hàm chứa nét văn hóa truyền thống của miền xuôi. Nhà sàn là di sản văn hóa của người Tày và một số dân tộc khác. Tuy vậy, nhà sàn của mỗi dân tộc, mỗi vùng lại có những đặc thù khác nhau. Trong xu thế phát triển hiện đại, nhà sàn ngày càng ít đi nhưng ở Khuân Bang vẫn còn giữ được những nếp nhà sàn truyền thống hơn chiếm hơn 80% số hộ dân ở đây. Trong đó có 06/06 hộ người Kinh dựng nhà sàn, nhiều nếp nhà sàn được dựng lên trong những năm trở lại đây đã có sự ảnh hưởng kiến trúc nhà của nhà người vùng đồng bằng bắc bộ, có nhiều cải tiến, đẹp hơn, tiện dụng hơn trong sinh hoạt nhưng vẫn giữ được những nét cơ bản của kiến trúc nhà sàn truyền thống. Đó là một sự hòa nhập cộng đồng văn hóa tạo sự gần gũi trong tình làng nghĩa xóm, thể hiện sự trân trọng bản sắc văn hóa bản địa. Có lẽ đây là một hình thức tuyên truyền cho người dân bản địa biết trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống của chính dân tộc mình từ đó họ ý thức hơn trong việc bảo tồn và phát huy những di sản đó.
Trước đây khi chế độ hợp tác xã tan rã, khắp nơi xảy ra tình trạng tranh giành đất đai thì bà con trong thôn Khuân Bang cùng ngồi họp lại quyết định chia đều ruộng theo nhân khẩu. Tình đoàn kết, sự đùm bọc, sẻ chia đã vượt qua được những toan tính cá nhân. Đây là một nền tảng để Khuân Bang xây dựng khối đoàn kết dân tộc, xây dựng làng bản, đây là một trong những nét đẹp của văn hóa làng thôn Khuân Bang.
Đến Khuân Bang đâu đâu cũng thấy bà con nông dân đang thi đua lao động sản xuất. Bà con đã và đang phát huy mọi khả năng để phát triển sản xuất theo hướng nông – lâm kết hợp. Nhờ đó, tình hình kinh tế – xã hội trong thôn ngày càng phát triển, đời sống người dân ngày càng no ấm.
Qua đó ta thấy, văn hóa làng quan trọng và có ý nghĩa thiết thực trong đời sống cộng đồng dân tộc chúng ta. Sự gắn kết cộng đồng dân tộc tạo nên sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn thử thách. Việc bảo tồn các di sản văn hóa làng như tại Khuôn Bang làm nền tảng vững chắc để xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn hiện nay./.
Nông Thanh
(Phòng Văn hóa Thông tin huyện Chợ Mới)