Phát huy thế mạnh từ việc trồng cây quế

Các xã phía Đông của huyện Chợ Mới, bao gồm Yên Cư, Yên Hân và Bình Văn là những địa phương có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với việc tập trung phát triển cây quế. Trong đó, xã Yên Cư có diện tích trồng quế lớn nhất, với hơn 400ha. Qua tìm hiểu được biết, cây quế được người dân nơi đây đưa vào trồng từ những năm 1990 của thế kỷ 20, thời kỳ đầu trồng manh mún, nhỏ lẻ. Cây quế chỉ phát triển mạnh, đem lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân vào những năm trở lại đây. Nhiều hộ gia đình đã nhận thức rõ về giá trị kinh tế của loại cây này, do đó đã chủ động mở rộng diện tích, tiếp nhận và triển khai hiệu quả các chương trình, đề án của huyện, vì vậy diện tích không ngừng tăng theo từng năm. Là một trong những hộ gia đình trồng quế từ khá sớm, bà Nguyễn Thị Vui – thôn Bản Pạn, xã Yên Cư, Chợ Mới cho biết: gia đình trồng 1,5ha cây quế từ năm 1997, đến năm 2006 gia đình cắt tỉa dần để bán, nhờ trồng quế mà gia đình đã có của ăn của để. Theo bà Vui, cây quế đến tuổi khai thác thường phải mất 15 đến 20 năm, từ lúc trồng đến lúc khai thác. Tuy nhiên, có thể cắt tỉa bán khi cây được 6 đến 7 tuổi. So với một số cây lâm nghiệp khác, cây quế có ưu điểm là không bỏ thứ gì, từ lá, thân, gốc đều bán được, nên bình quân một cây quế có tuổi đời trên 15 năm có giá trị khoảng 800.000 nghìn đồng đến 1.000.000 triệu đồng. Do cây quế có giá trị kinh tế cao, nên gia đình đã mở rộng diện tích trồng quế. Hiện gia đình bà Vui có hơn 2ha cây quế.

 Nhờ trống cây quế mà gia đình bà Nguyễn Thị Vui –

thôn Bản Pạn, xã Yên Cư, Chợ Mới đã khá lên từng ngày

Theo thống kê, hiện toàn xã Yên Cư, huyện Chợ Mới có trên 400ha cây quế, bao gồm cả quế trồng mới và trồng cũ. Trong  3 năm từ 2014 đến năm 2016, toàn xã Yên Cư đã trồng được 464,88ha cây quế. Trong đó, trồng theo Chương trình 147 của huyện 395,88ha; người dân tự trồng 70ha.

Đánh giá về hiệu quả kinh tế từ việc trồng cây quế, ông Ma Văn Hoàng – Phó chủ tịch UBND xã Yên Cư, huyện Chợ Mới cho hay: So với nhiều cây trồng khác, cây quế mang lại cho người dân nguồn thu lớn và ổn định. Trước đây, cây quế chỉ bán được vỏ. Hiện nay, thân, cành, lá đều bán được với giá cao. Vỏ quế hiện tại đang được thu mua với giá từ 14.000 đến 16.000 nghìn đồng/1kg; thân quế sau khi bóc vỏ có giá khoảng 800.000 đến 1.000.000 triệu đồng/m3; còn lá quế bán cho cơ sở chế biến tinh dầu với giá từ 500 đến 800 đồng/1kg. Để nâng cao giá trị cho người trồng quế, trong những năm qua, xã Yên Cư đã vận động nhân dân tích cực đầu tư, mở rộng diện tích trồng cây quế. Cây quế tiếp tục được xác định là cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế của địa phương, với những ưu thế vượt trội đem lại. Định hướng cho việc phát huy hiệu quả cây trồng chủ lực này, xã chủ trương mở rộng và duy trì diện tích trồng quế hàng năm khoảng 60 đến 70ha.

Thời gian tới, chính quyền xã tiếp tục tuyên truyền, hướng dân người dân kỹ thuật trồng, chăm sóc, cắt tỉa và khai thác cây quế. Thông qua đó, góp phần nâng cao thu nhập cho người trồng quế, giúp bà con yên tâm phát triển loại cây có giá trị kinh tế này…/.

Bài trướcCần nhân rộng trồng cây rau bò khai
Bài tiếp theoNgười dân đưa cây ổi lai vào trồng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây