![]() |
Được tham gia vào các lớp tập huấn về Vệ sinh ATTP nên chị Vũ Thị Mão trú tại tổ 1, TT.Chợ Mới rất tự tin vào bản thân mình. Vì thế, là người nội trợ chính trong gia đình thường xuyên phải đi chợ, việc mua thực phẩm đảm bảo ATVSTP đối với chị Mão không quá khó. Bởi theo chị thực phẩm an toàn là phải vừa tươi ngon, vừa rõ nguồn gốc.
Cũng giống cách chọn thực phẩm như chị Mão, chị Thúy – Chủ quán ăn ở thôn Nà Khon- xã Yên Đĩnh luôn tìm mua rau xanh của bà con quanh vùng, còn thịt gia súc thì đặt hàng người quen. Do lựa chọn đồ ăn kỹ càng cộng với vệ sinh sạch sẽ nên quán ăn của chị luôn duy trì lượng khách ổn định.
Thực hiện chỉ thị số 34 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ, hoạt động của Ban chỉ đạo liên ngành về VSATTP huyện Chợ Mới đã đi vào nề nếp và đạt được yêu cầu nhiệm vụ đề ra. Chỉ tính riêng trong tháng hành động năm 2016, Ban chỉ đạo đi kiểm tra được 34 cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống trên địa bàn; kiểm tra hoạt động của Ban chỉ đạo xã được 11 đơn vị. Qua đó, đã phát hiện và xử lý 13 cơ sở không đạt. Và một tín hiệu đáng mừng là qua kiểm nghiệm bằng Test nhanh trên các mẫu bún, giò và riêng rau xanh bán ở chợ TT. Chợ Mới do Ban chỉ đạo liên ngành của tỉnh lấy mẫu kiểm tra đã cho kết quả đều âm tính. Bước đầu đạt được thành công này, đó là sự cố gắng, nỗ lực của các ngành chức năng, sự vào cuộc của Ban Chỉ đạo từ tuyến huyện đến tuyến xã, thị trấn đã góp phần rất lớn đến sự nhận thức của người dân trong đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, từ thực tế cho thấy: Trong nhiều năm qua, các đội kiểm tra liên ngành về ATTP mới chỉ dừng lại ở việc kiểm tra định tính, chưa kiểm tra được định lượng. Do đó, sẽ còn rất nhiều loại thực phẩm tươi sống như: thịt, rau, củ, quả và còn chưa kể đến các loại mặt hàng thực phẩm khô, thực phẩm đóng chai …cả cơ quan chức năng lẫn người tiêu dùng vẫn chưa thể xác định được đó có thực sự là thực phẩm an toàn hay không. Bà Triệu Thị Thắm- Phó Ban Chỉ đạo liên ngành về VSATTP, Trưởng phòng Y tế huyện Chợ Mới cho biết: “ Hiện nay, công tác VSATTP vẫn chủ yếu giao cho cơ quan chuyên môn thực hiện và mang tính chất kiêm nhiệm do đó việc tham mưu ở một số đơn vị Trạm y tế cơ sở chưa kịp thời dẫn đến công tác thanh tra, kiểm tra ở nhiều xã không đạt hiệu quả. Mặt khác, các cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn phần lớn là nhỏ lẻ nên việc cấp giấy chứng nhận còn gặp khó khăn do liên quan đến Nghị định số 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết về quản lý các cơ sở thực phẩm. Hiện mới chỉ có 117 /777 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP. Đặc biệt vấn đề về hỗ trợ kinh phí hàng năm còn quá thấp đã hạn chế rất nhiều trong công tác kiểm tra VSATTP”
Những khó khăn mà bà Thắm nêu trên đang là một thách thức, cản trở lớn đối với công tác VSATTP trên địa bàn huyện Chợ Mới. Vì thế, để đảm bảo VSATTP thực sự đi vào chiều sâu và mang tính ổn định lâu dài thì rất cần sự quan tâm nhiều hơn nữa của các cấp ủy, chính quyền địa phương nhất là sự đầu tư về nguồn kinh phí để mua sắm trang thiết bị chuyên dụng phục vụ cho việc kiểm tra các loại thực phẩm; tăng cường mở các lớp tập huấn, nghiệp vụ cho cán bộ chuyên trách và trưởng ban chỉ đạo tuyến xã… Có vậy, mới kiểm soát được thực phẩm bẩn, sạch và người tiêu dùng mới được bảo vệ một cách an toàn./.