Bản Phát đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản

Bản Phát nằm cách trung tâm xã Thanh Mai khoảng 01 km, thôn có 39 hộ dân, 165 nhân khẩu sinh sống. Phát huy tiềm năng thế mạnh, điều kiện khí hậu thổ nhưỡng ở địa phương người dân trong thôn tập trung đẩy mạnh phát triển trồng rừng, chăn nuôi gia súc và mạnh dạn chuyển dịch từ cây lúa sang nuôi thủy sản. Ông Hà Văn Kỳ – trưởng thôn Bản Phát chia sẻ: nhờ có hệ thống kênh mương thủy nông thuận lợi nên rất nhiều hộ dân trong thôn đã mạnh dạn nuôi trồng thủy sản. Do vậy thu nhập của người dân không ngừng được cải thiện. Tốc độ phát triển kinh tế – xã hội của thôn đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra.

Điển hình trong phát triển kinh tế của thôn phải kể đến gia đình anh Linh Tấn Tiền là một trong những hộ dân tích cực chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Nhận thấy, thôn có hệ thống kênh mương thủy lợi rất thuận lợi nhưng hiệu quả kinh tế từ trồng lúa không cao nên 02 năm trước anh đã mạnh dạn chuyển đổi 2000m2 đất trồng lúa sang làm ao nuôi cá. Trung bình mỗi năm ao cá cho thu nhập trên 30 triệu đồng. Năm 2018, anh tiếp tục chuyển đổi những diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi cá. Trong đó, anh chú trọng phát triển nuôi cá rô đơn tính.

Hiện nay, thôn Bản Phát có đến gần 30 hộ gia đình có ao nuôi cá. Hộ nhiều có đến vài nghìn m2, hộ ít cũng có đến vài trăm m2. Tổng diện tích nuôi thủy sản của thôn đến hết năm 2017 là 06 ha. Đây là điều kiện để người dân có thực phẩm cải thiện bữa ăn hàng ngày vừa có thu nhập kinh tế. Để tạo thuận lợi cho bà con phát triển kinh tế – xã hội, cơ sở hạ tầng, đường xá từng bước được đầu từ xây dựng. Năm 2018, dự kiến con đường nội thôn sẽ được bê tông hóa theo chương trình xây dựng nông thôn mới. Điều đó, sẽ tạo nên sức mạnh để người dân thôn Bản Phát càng vững tin vươn lên phát triển kinh tế gia đình.

Cùng với phát triển các loại cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, có gia trị kinh tế, thôn Bản Phát cũng đặc biệt quan tâm lĩnh vực phát triển chăn nuôi như: nuôi trâu, nuôi dê. Trong đó, chăn nuôi đại gia súc theo hộ gia đình không ngừng phát triển, hiện thôn có gần 40 con trâu, dàn dê giao động khoảng 40 con. Qua đó, tạo nguồn thu ngày càng đa dạng và ổn định. Kinh tế phát triển, nếp nghĩ, cách làm của người dân cũng thay đổi theo cách sống tiến bộ, lối canh tác cũ dần bị xóa bỏ nhường chỗ cho tư duy làm kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, tiếp cận và áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác, chăn nuôi. Qua đó, đời sống của bà con dần ổn định sản xuất, số hộ nghèo đã giảm đáng kể.

Ông Hà Đức Sơn – Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Mai cho biết: Để trợ giúp bà con trong xã sản xuất, Cấp ủy, chính quyền địa phương đã phối hợp với các đơn vị của tỉnh và huyện mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, từng thời điểm có chính sách hỗ trợ giống, vốn cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo. Cùng với đó, các tổ chức đoàn thể trong xã cũng mạnh dạn đứng ra tín chấp vay vốn ngân hàng cho người dân đầu tư phát triển chăn nuôi, khuyến khích chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng bán công nghiệp. Trong đó, đặc biệt trú trọng đến việc đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản, đây là thế mạnh của thôn Bản Phát.

Chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi là chủ trương đúng đắn, mỗi địa phương đều có điều kiện tự nhiên khác nhau. Vì vậy, tư duy đổi mới của người dân Bản Phát sẽ tạo đà cho sự phát triển kinh tế – xã hội của thôn trong thời gian tới./.

Bài trướcPhát huy vai trò của nữ đại biểu HĐND
Bài tiếp theoĐại Hội Đại biểu Hội nông dân xã Nông Thịnh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây